Trong những tháng đầu đời, sự tăng cân phản ánh tình trạng sức khỏe và sự phát triển thể chất của trẻ. Ở giai đoạn này việc chăm sóc giúp trẻ tăng cân là rất quan trọng. Tuy nhiên, trẻ sơ sinh tăng cân như thế là hợp lý? Đây là một vấn đề mà các mẹ rất cần phải nắm rõ. Vì, hiểu rõ tình trạng cân nặng của con, mẹ có thể dựa vào đó điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, cùng cách chăm sóc trẻ cho phù hợp hơn. Có như vậy, các bé của chúng ta mới phát triển toàn diện và thực sự khỏe mạnh.
Theo WHO – Tổ chức Y tế thế giới, tiêu chuẩn tăng cân của trẻ sơ sinh như sau:
+ Trong tuần đầu, trẻ sơ sinh thường sẽ sụt cân sinh lý (từ 5 – 10%) và sau đó 2 – 3 tuần sau sẽ tăng cân đều trở lại. Do đó, mẹ không cần quá lo lắng khi thấy con bị sút cân trong thời gian này.
+ Trẻ sơ sinh có thể tăng 1 – 1.2kg/tháng trong vòng 3 tháng đầu. Về sau, cân nặng sẽ tăng chậm lại khoảng 600g ở giai đoạn 4 – 6 tháng tuổi và tăng khoảng 300 – 400g ở các giai đoạn tiếp theo.
+ Trong vòng 12 tháng, chiều dài của trẻ sơ sinh tăng lên 1.5 lần và chu vi vòng đầu tăng 11cm.
Đây là tiêu chuẩn tăng cân ở trẻ sơ sinh nói chung. Tuy nhiên, mỗi bé sẽ có một nhịp độ phát triển khác nhau nên tốc độ tăng cân của trẻ sơ sinh cũng không thể giống nhau hoàn toàn được.
Những yếu tố ảnh hưởng đến cân nặng của trẻ sơ sinh
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến cân nặng và sự phát triển của trẻ sơ sinh như sau:
Thời gian mang thai: Những đứa trẻ sinh trước ngày dự sinh thường có cân nặng nhẹ hơn. Còn trẻ sinh quá ngày dự sinh lại có thể lớn hơn mức trung bình.
Thể chất của mẹ: Những vấn đề sức khỏe của mẹ như tiểu đường, tiểu đường thai kỳ, bệnh tim, huyết áp cao và béo phì có thể ảnh hưởng đến cân nặng của em bé.
Số lượng trẻ trong bụng mẹ: Sinh đôi hoặc sinh ba có thể ảnh hưởng đến cân nặng của trẻ, tùy thuộc vào lượng không gian mà chúng phải chia sẻ.
Thứ tự sinh của bé: Con đầu lòng sinh ra thường có xu hướng nhỏ hơn so với những đứa sinh sau này.
Giới tính của bé: Đây là một sự khác biệt nhỏ, khi sinh ra bé gái thường sẽ có chiều cao và cân nặng thấp hơn so với các bé trai.
Sức khỏe của mẹ trong thai kỳ: Trong giai đoạn mang thai nếu mẹ bị stress căng thẳng, bệnh cao huyết áp hay thường xuyên sử dụng các chất kích thích (thuốc lá, rượu, bia, cà phê,…) cũng sẽ gây ảnh hưởng đến cân nặng của thai nhi.
Dinh dưỡng trong thai kỳ: Chế độ dinh dưỡng trong thai kỳ của mẹ không đầy đủ dưỡng chất thì rất khó để thai nhi phát triển tối ưu nhất và sẽ khiến cân nặng của trẻ khi sinh ra nhẹ hơn.
Sức khỏe của bào thai: Trẻ sơ sinh khỏe mạnh, không bị dị tật bẩm sinh và không tiếp xúc với nhiễm trùng trước khi sinh sẽ có mức cân nặng vừa đủ, không bị quá to hoặc quá nhỏ.
Trẻ sơ sinh tăng cân quá nhanh hoặc quá chậm ảnh hưởng thế nào?
Có những trường hợp tăng cân ở trẻ sơ sinh quá nhanh hoặc quá chậm, cả hai điều này đều có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe cho trẻ.
Trẻ tăng cân quá nhanh, đặc biệt khi bắt đầu chế độ ăn dặm, chỉ số cân nặng tăng nhanh trong 2 năm đầu đời dễ dẫn đến tình trạng béo phì khi trưởng thành. Béo phì cũng là một yếu tố nguy cơ gây ra bệnh tim mạch, huyết áp cao và tiểu đường loại 2.
Trẻ tăng cân chậm có thể gây suy dinh dưỡng, cấu trúc cơ yếu, vấn đề tim mạch, tăng trưởng cơ thể kém, sức đề kháng suy giảm và không đủ năng lượng để hoạt động. Trẻ sơ sinh tăng cân chậm có thể do bú mẹ không đúng cách, mẹ không có nhiều sữa, thời gian bú ít hoặc trẻ không khỏe.
Cách giúp trẻ sơ sinh tăng cân hiệu quả
Giúp bé ngủ ngon: Mẹ có biết lúc ngủ cũng chính là lúc trẻ sơ sinh lớn lên? Vì khi bé ngủ, tuyến yên sẽ tiết hormone giúp bé phát triển chiều cao cũng như cân nặng. Vì vậy, trong giai đoạn này, bé cưng cần ngủ rất nhiều, có thể lên tới 20 tiếng/ngày.
Cho bé bú kể cả khi bé buồn ngủ: Mẹ hãy thử cù nhẹ vào chân bé, đánh thức bé tiếp tục “ti” mẹ, nếu bé có biểu hiện buồn ngủ. Bên cạnh đó, mẹ có thể dùng tay hoặc máy hút sữa để hút phần sữa bé chưa bú xong ở bên ngực còn lại, giúp kích thích sự sản xuất sữa mẹ cho bé dùng vào lần sau.
Cho bé bú đúng cách: Với bé sơ sinh, sữa là nguồn dinh dưỡng duy nhất. Cho bé bú đầy đủ, đúng cách sẽ giúp bé bổ sung năng lượng cần thiết cho sự phát triển của mình. Các bé mới sinh nên được cho bú mỗi 2-3h/ lần. Khi bé lớn hơn, khoảng cách giữa các cữ bú có thể kéo dài hơn.
Ăn dặm đúng cách, bé tăng cân tốt hơn: Khi bước sang tháng thứ 6, nhu cầu dinh dưỡng của trẻ sẽ tăng lên. Mẹ nên tập cho bé ăn dặm để bổ sung nguồn dinh dưỡng khác ngoài sữa mẹ, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho sự phát triển của trẻ trong giai đoạn này.
Khuyến khích bé vận động nhiều hơn: Vì càng vận động nhiều, bé càng nhanh đói hơn. Hệ tiêu hóa cũng sẽ làm việc hiệu quả hơn.
Massage cho trẻ sơ sinh: Không chỉ giúp bé thư giãn và dễ ngủ hơn, thường xuyên massage cho bé sơ sinh cũng có tác dụng thúc đẩy hoạt động của hệ tiêu hóa. Bé không gặp vấn đề về tiêu hóa, cân nặng cũng tăng nhanh hơn.
Bổ sung thêm sữa công thức: Đối với trẻ không được bú sữa mẹ đầy đủ thì có thể thay thế bằng sữa công thức. Sữa công thức chứa nhiều dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển cân nặng của trẻ sơ sinh. Mẹ nên chọn loại sữa công thức có chứa thành phần đạm Whey tương tự như sữa mẹ để bé dễ dàng tiêu hóa và hấp thu.
Qua bài viết trên, chắc hẳn mẹ đã hiểu rõ về vấn đề tăng cân ở trẻ sơ sinh. Ở mỗi trẻ sẽ có những nhịp tăng trưởng khác nhau, có trẻ tăng cân nhanh, có trẻ lại tăng cân chậm so với các bạn đồng trang lứa. Mẹ nên cung cấp đầy đủ dưỡng chất, theo dõi cân nặng của trẻ và tham vấn bác sĩ nếu cần.