Khi bị rối loạn tiêu hóa, trẻ đau bụng, mệt mỏi, tiêu chảy, táo bón, quấy khóc, bỏ ăn. Lâu dần, đường ruột trẻ sẽ thường xuyên “phản đối” thức ăn khiến cơ thể thiếu dinh dưỡng trầm trọng, và suy dinh dưỡng, thấp còi sẽ là hậu quả tất yếu.
Đối với trẻ em đang bị rối loạn tiêu hóa thì chế độ ăn hàng ngày không chỉ cung cấp dưỡng chất cho trẻ mà còn giúp cải thiện tình trạng rối loạn tiêu hóa. Vì vậy nên cho con ăn gì và không nên cho con ăn gì khi con bị rối loạn tiêu hóa luôn là nỗi trăn trở của các mẹ.
– Dinh dưỡng bữa ăn: Bữa ăn của bé cần đầy đủ, cân đối 4 nhóm chất gồm chất đạm, chất béo, bột đường, chất xơ, vitamin và khoáng chất. Cần lựa chọn thực phẩm sạch, chế biến và bảo quản đúng cách bởi một trong những nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa là do lựa chọn, chế biến thực phẩm không đảm bảo vệ sinh.
– Thực phẩm tốt cho bé: Khi bé đang gặp các vấn đề về tiêu hóa, mẹ cũng nên chú ý chọn thực phẩm dễ tiêu hóa, cần nấu chín kỹ hơn, mềm hơn để bé dễ ăn và dễ tiêu hóa. Những thực phẩm dễ tiêu hóa mà mẹ nên cho con ăn đó là: Gạo, rau xanh, chuối, thịt gà, sữa chua, ngũ cốc.
– Chia thành nhiều bữa nhỏ: Trẻ nhỏ hay bị nôn trớ, chán ăn, biếng ăn khi bị rối loạn tiêu hóa. Mẹ tuyệt đối không ép con ăn nhiều để mong trẻ nhanh tăng cân trở lại sẽ làm bé càng chán ăn, sợ ăn và hệ tiêu hóa cũng không thể tiêu hóa hết thức ăn được. Nên cho bé ăn từng ít một và chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày.
– Với trẻ bị tiêu chảy: Việc đầu tiên cần làm là bù nước cho bé bằng dung dịch oresol, nước lọc, nước trái cây. Tiếp theo, mẹ cho bé ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, món ăn dễ ăn, dễ tiêu hóa như súp, cháo với rau củ, thịt xay và trái cây tốt cho tiêu hóa như đu đủ, chuối, cam, táo.
– Với trẻ bị táo bón: Cho bé uống nhiều nước, tăng cường bổ sung chất xơ cho bé bằng rau, trái cây, nhất là loại rau quả giúp nhuận tràng như mồng tơi, rau lang, rau ngót, súp lơ xanh; trái cây như chuối tiêu, cam, quýt, bưởi, đu đủ, thanh long. Mẹ nên xay hoặc nghiền nhỏ để bé dễ ăn, không nên cho bé ăn các loại rau già, nhiều xất xơ cứng có thể gây cọ xát thành ruột ở trẻ.
– Bổ sung lợi khuẩn và các dưỡng chất cần thiết: Một trong những cách khắc phục chứng rối loạn tiêu hóa ở trẻ đó là bổ sung lợi khuẩn cho bé. Các vi khuẩn có lợi sẽ ức chế vi khuẩn có hại, từ đó cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột, hỗ trợ giúp giảm dần những dấu hiệu rối loạn tiêu hóa và bảo vệ hệ tiêu hóa của bé. Đối với bé bị rối loạn tiêu hóa do dùng kháng sinh, loạn khuẩn đường ruột việc bổ sung thêm lợi khuẩn sẽ rất tốt cho hệ tiêu hóa của bé.
Ngoài lợi khuẩn, bé cũng nên được bổ sung thêm kẽm, selen, lysin, taurin, vitamin nhóm B, axit amin là những dưỡng chất thiết yếu giúp kích thích vị giác, để trẻ thèm ăn và ăn ngon miệng hơn, hấp thu tối đa chất dinh dưỡng.
Một số thực phẩm cho bé rối loạn tiêu hoá
Bé bị rối loạn tiêu hóa nên ăn gì là câu hỏi thường gặp của các mẹ. Sau đây là một số gợi ý thực đơn cho bé rối loạn tiêu hóa, giúp bé phát triển toàn diện cả về thể chất và trí não.
Sữa mẹ
Sữa mẹ giúp ngăn ngừa mất nước khi bị tiêu chảy, làm mềm phân cho trẻ bị táo bón, đồng thời bổ sung các dưỡng chất và kháng thể giúp chống lại vi khuẩn gây hại trong đường ruột. Đây là nguồn thức ăn chứa nhiều dưỡng chất cần cho trẻ, nhất là trẻ mới sinh cho đến 6 tháng tuổi.
Do đó khi trẻ bị rối loạn tiêu hóa mẹ nên cho trẻ bú nhiều lần, rút ngắn khoảng cách giữa các lần bú mẹ, ví dụ từ 3 tiếng rút ngắn còn 2 tiếng.
Với trẻ từ 6 tháng tuổi – 12 tháng tuổi, ngoài bú mẹ trẻ đã ăn thêm một số thức ăn được cung cấp từ bột loãng rồi bột đặc có chất xơ, chất béo…
Khi trẻ trên 1 tuổi vẫn tiếp tục bú mẹ và ăn thêm cháo. Để cải thiện rối loạn tiêu hóa thì mẹ không nên sử dụng thực phẩm chứa nhiều đường, chất béo vì thực phẩm này có thể làm rối loạn trầm trọng hơn.
Chuối
Được xem là thực phẩm thân thiện với dạ dày, chuối là nhân tố đầu tiên trong chế độ ăn BRAT (Banana (chuối) – Rice (Gạo) – Apple (táo) – Toast (bánh mì nướng)) – là một chế độ ăn lành mạnh cho những người bị rối loạn tiêu hóa. Sở dĩ loại trái cây này có thể giúp hỗ trợ các chức năng của dạ dày vì nó chứa pectin – một chất giúp quá trình tiêu hóa và đại tiện trở nên thuận lợi hơn.
Ngoài ra, chuối rất giàu kali – chất điện giải cần thiết cho cơ thể, nhất là khi trẻ có dấu hiệu mất nước do nôn mửa, tiêu chảy. Ăn chuối còn giúp trẻ bổ sung thêm 11 loại khoáng chất, 6 loại vitamin và năng lượng khi trẻ đang mệt mỏi.
Sốt táo
Cũng giống như chuối, trong táo cũng chứa lượng pectin dồi dào giúp giảm các triệu chứng rối loạn tiêu hóa hiệu quả. Khi trẻ bị rối loạn tiêu hóa, mẹ nên cho trẻ dùng sốt táo thay vì táo tươi vì táo đã nấu chín sẽ dễ tiêu hóa và cung cấp nhiều calo cho cơ thể hơn. Ngoài ra bản thân táo còn chứa nhiều chất xơ, rất tốt cho việc cải thiện rối loạn tiêu hóa, táo bón.
Thức ăn từ Gạo
Khi bị rối loạn tiêu hóa, mẹ nên cho trẻ ăn các loại thực phẩm nhạt, có màu trắng như gạo, bánh mỳ, khoai tây luộc… Trong đó gạo trắng được coi là thực phẩm bổ dưỡng, dễ tiêu, không gây áp lực lên hệ tiêu hóa cho trẻ. Ngoài ra, chúng còn giúp kiểm soát tình trạng tiêu chảy hiệu quả. Từ gạo mẹ có thể chế biến thành cơm trắng, cháo hạt, cháo xay tùy theo nhu cầu lứa tuổi của trẻ.
Bánh mỳ nướng
Cũng giống như gạo, bánh mỳ nướng cũng hỗ trợ quá trìnhtiêu hóa rất tốt. Mẹ có thể thêm chút bơ khi nướng bánh mỳ để tạo mùi thơm dễ kích thích trẻ hơn.
Rau củ
Mẹ nên cho trẻ bị rối loạn tiêu hóa ăn rau củ hàng ngày để bổ sung chất xơ, vitamin và khoáng chất cho hệ tiêu hóa của trẻ phát triển khỏe mạnh. Khi trẻ bị tiêu chảy thì nên cho trẻ ăn rau ngót, nấm, rau sam, giá đỗ, cà rốt. Nếu trẻ bị táo bón thì cho trẻ ăn rau đay, mồng tơi, củ cải, rau diếp cá, rau má, bí đỏ…
Thịt gà
Hàm lượng chất béo bão hòa trong thịt gà khá thấp. Khi được chế biến đúng cách, nó có thể trở thành thực phẩm dễ tiêu hóa nhất mà mang lại nguồn dinh dưỡng rất cao cho trẻ. Các enzym trong thịt gà có thể làm dịu dạ dày trẻ đang khó chịu.
Cà rốt
Cà rốt có nhiều thành phần như giàu beta-caroten, vitamin C, kali, sắt, mangan, canxi, pectin và các chất chống oxy hóa. Những chất này không chỉ giúp giảm táo bón, tiêu chảy, cung cấp chất điện giải mà còn tham gia vào quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ miễn dịch của trẻ.
Ngũ cốc nguyên hạt
Đây là nguồn cung cấp chất đạm thực vật và chất xơ dồi dào, dễ tiêu. Bên cạnh đó tinh dầu từ các loại hạt còn giúp thúc đẩy hoạt động của hệ tiêu hóa. Vì thế mẹ có thể cho trẻ ăn yến mạch, vừng, hạt sen… để cải thiện rối loạn tiêu hóa.
Gừng
Gừng là loại củ có chứa chất kháng viêm, chống khuẩn, kích thích tiêu hóa. Mẹ dùng gừng sẽ giúp giảm các triệu chứng khó chịu do rối loạn tiêu hóa gây ra như đầy bụng khó tiêu, buồn nôn, đau bụng cho trẻ.
Khoai lang
Mẹ có thể nghiền khoai cho trẻ ăn hoặc thêm vào món canh, cháo cho trẻ ăn từ 3 – 4 lần/ tuần. Khoai lang là loại củ giàu vitamin và carbohydrate, có khả năng kích thích tiêu hóa, ngăn chặn sự phát triển của các gốc tự do và làm lành các tổn thương viêm loét trong dạ dày cũng như ruột của trẻ.
Quả bơ
Quả bơ có chứa nhiều chất xơ, vitamin A và chất béo lành mạnh giúp kháng viêm, bảo vệ lớp lót trong đường ruột của trẻ.
Sữa chua
Thực phẩm này đơn giản là để giúp tiêu hóa được tốt hơn vì chúng chứa vi khuẩn có lợi lên men. Các vi khuẩn có lợi này giúp cải thiện sự rối loạn đường ruột, hỗ trợ quá trình tiêu hóa. Tuy nhiên, mẹ cũng cần lưu ý trẻ có gặp tình trạng rối loạn tiêu hóa do sữa (bất dung nạp lactose) không nhé.
Những thực phẩm bé rối loạn tiêu hóa nên kiêng
Việc trẻ bị rối loạn tiêu hóa thì ngoài ăn gì ra cũng cần phải có một chế độ kiêng khem đầy đủ. Và chế độ kiêng ăn gì cũng còn tùy thuộc vào từng tình trạng rối loạn tiêu hóa.
– Không nên cho trẻ ăn các loại đồ ăn nhanh khó tiêu như: xúc xích, thịt hộp, thịt xông khói, pizza, hambeger, sanwich,… Đây là những món trẻ em thường thích ăn nhưng thực chất những thực phẩm này chứa ít chất dinh dưỡng và chứa nhiều chất béo khó tiêu, mẹ không nên cho trẻ ăn khi đang bị rối loạn tiêu hóa. Các thực phẩm chế biến sẵn có thể khiến bệnh rối loạn tiêu hóa ở trẻ nghiêm trọng hơn.
– Đối với trẻ bị tiêu chảy: tránh các loại thực phẩm nhiều đường như nước ngọt, kẹo, bánh… và chất xơ như các loại đậu. Đồ ngọt sẽ khiến đường ruột bị quá tải, làm cho rối loạn tiêu hóa càng trở lên nghiêm trọng hơn.
– Đối với các bé bị táo bón: cần tránh các loại thức ăn giàu tinh bột như bắp, đậu và các loại thức ăn giàu chất béo bởi những chất này làm cho phân khô và trẻ khó đi tiêu hơn.
– Với trẻ bị rối loạn tiêu hóa do bất dung nạp đường lactose trong sữa: mẹ nên dừng loại sữa trẻ đang uống và tham khảo ý kiến chuyên gia để đổi sang loại sữa phù hợp hơn với trẻ.
Các mẹ cũng nên tham khảo bài viết "Rối loạn tiêu hóa ở trẻ và những điều mẹ cần lưu ý" để có thêm kiến thức bổ ích xử lý kịp thời các triệu chứng bé yêu gặp phải